Ở một xã thuần nông như Yên Lộc, gia đình ông Tấn, bà Lý được xem là thành đạt, giỏi giang vì có kinh tế khá giả, con cái đều thành đạt. “Để nuôi được đàn con ăn học thành tài như hôm nay là nhờ cả vào lợn, gà” - bà Lý chỉ vào đàn gà đang ăn trong vườn, tâm sự.
Ngày trước gia đình ông bà thuộc loại nghèo nhất nhì xã. 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Là trụ cột trong gia đình, ông Tấn luôn trăn trở làm sao có tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Muốn thoát khó khăn thì không thể độc canh cây lúa mà phải thâm canh kết hợp với chăn nuôi. Vợ chồng bà chọn ngô lai và lúa để trồng (0,8ha trồng lúa, 0,3ha đất màu). Bên cạnh đó, vợ chồng bà nuôi lợn thịt hướng nạc, gà lai chọi với quy mô ngày càng mở rộng. Trong chăn nuôi, vợ chồng bà luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, các khâu tiêm phòng, chăm sóc, sử dụng bể khí biogas để không gây ô nhiễm môi trường, tạo nhiên liệu đun nấu
Với kiến thức chăn nuôi tự học, kết hợp với kiến thức được hướng dẫn tập huấn do Hội ND xã, huyện tổ chức, ông bà áp dụng các kỹ thuật mới như sử dụng nước thải khí sinh học biogas, sử dụng quy trình lên men lỏng trong chăn nuôi lợn, nhờ vậy trọng lượng đàn lợn tăng trưởng, thịt có chất lượng cao được thị trường ưa chuộng.
Mỗi năm vợ chồng bà xuất bán 12 – 15 tấn thịt lợn hơi, 5 tấn thịt gà lai chọi, lãi gần 200 triệu đồng, gia đình bà đã “đoạn tuyệt” với cảnh “ăn bữa sáng, lo bữa tối”. Ngoài người con lớn đã qua tuổi đi học, 2 con sau đều học đại học. Con gái thứ hai của ông bà tốt nghiệp thủ khoa Đại học Nông nghiệp, hiện đang du học Nhật Bản làm luận án thạc sĩ.