Câu hỏi này đặt ra, mỗi người đều sẽ có một câu trả lời khác nhau, bài viết này nêu lên quan điểm cá nhân của mình sau khi đã vấp phải những khó khăn nhất định trong việc học tiếng Nhật.
1) Tiếng Nhật có cấu trúc ngược với tiếng Việt
Ví dụ này chắc nhiều người cũng đã từng lấy, nếu như ở trong tiếng Việt chúng ta nói là "tôi ăn cơm" thì trong tiếng Nhật sẽ phải nói là "tôi cơm ăn", động từ luôn đứng ở cuối câu, vì thế khi đưa ngữ pháp vào việc nói thực tế, phần lớn chúng ta sẽ vấp phải cản trở trong việc sắp xếp thứ tự từ vựng trong câu để nói, dễ dẫn đến thành phần câu nói trở nên lộn xộn.
2) Phát âm của tiếng Nhật khó luyện tròn vành rõ chữ
Những người mới bắt đầu học tiếng Nhật rất dễ mắc sai lầm ở phát âm chữ つ, vì cơ bản chữ này không có trong phát âm của người Việt, ngoài ra tùy từng vùng miền mà có nhiều bạn bị loạn trong việc phát âm L và N,hoặc じょ、ぞ、よ, việc sửa phát âm cần được làm ngay ở giai đoạn đầu tiên khi bắt đầu học bảng chữ cái.
Tiếng Nhật không có dấu quy định rõ ràng như tiếng việt, nhưng nếu các bạn để ý, mỗi một từ vựng đều có cách lên xuống giọng, ý nghĩa của một câu văn trong giao tiếp cũng được thay đổi nếu như ngữ điệu của câu văn thay đổi. Cần phải có sự rèn luyện thực tế nhất định mới có thể hiểu và phân biệt cách sử dụng sao cho chính xác
3) Chữ Hán
Chữ Hán là một rào cản rất lớn đối với các bạn nước ngoài khi học tiếng Nhật, số lượng chữ Hán lớn và cách áp dụng trong văn viết - văn nói lại đa dạng, nhất là việc chữ Hán có âm on và âm kun (thậm chí rất nhiều âm kun) khiến người học rất khó phân biệt được khi nào thì sử dụng cách đọc nào. Ngoài ra việc một từ vựng đồng âm đọc, nhưng có rất nhiều từ vựng với chữ Hán khác nhau (ví dụ せいちょう có khoảng 15 từ đồng âm khác nghĩa) cũng khiến người học khá rối loạn. May là người Việt vốn sử dụng chữ Hán từ thời xưa, cho đến hiện nay vẫn sử dụng âm Hán Việt trong đời sống hằng ngày, nên nếu biết các phương pháp sử dụng âm Hán Việt thì có thể áp dụng trong việc học chữ Hán một cách tốt hơn nhiều.
4) Ngữ pháp
Thật ra, ngữ pháp không hẳn là một trở ngại lớn trong tiếng Nhật, bạn chỉ cần nắm vững được cách chia và cách sử dụng 13 thể động từ trong tiếng Nhật là đã nắm được phần cốt lõi. Tuy nhiên những mẫu ngữ pháp ghi trong các sách giáo khoa thường có nhiều ý nghĩa, và nhiều cách dùng trùng với nhau nên đôi khi chúng ta không biết sử dụng chúng sao cho phù hợp với ngữ cảnh. Việc này được khắc phục bằng cách xem nhiều phim, giao tiếp nhiều để luyện phản xạ, đọc sách nhiều để trau dồi thêm cách dùng từ, và luyện các đề thi để nâng cao năng lực.
5) Tiếng Nhật vùng miền
Chưa kể đến tiếng Nhật vùng miền, thì các bạn thử nói chuyện với mấy bác già già của Nhật là đã thấy cách dùng tiếng Nhật không giống với sách giáo khoa rồi, và dĩ nhiên
thật tệ khi các bạn vừa học hyoujungo mà lại đi mấy vùng như okinawa, akita...vì hầu như người Nhật cũng thấy khó nghe, bạn sẽ phải tập làm quen với cách nói của người dân nơi đây.
Giống như Việt Nam, mỗi vùng miền đều có cách phát âm, cách nói khác nhau rõ rệt. Nhật cũng là một đất nước dài và hẹp nên thật dễ hiểu là mỗi vùng sẽ có những cách nói độc đáo khác nhau đúng không ^^
Trên đây là một vài điểm mình thấy khó khăn trong quá trình mình học tiếng Nhật, nếu các bạn thấy còn điều gì khó khăn thì bổ sung dưới phần comment nhé!
------------------------------------------
Tiếng Nhật Javi liên tục tuyển sinh các lớp tiếng Nhật cho các trình độ N5, N4, N3. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn muốn đăng ký tham gia nhé! 0988410386
----